Hòa giải tranh chấp đất đai là gì? Mục đích ý nghĩa của công tác hòa giải tranh chấp đất đai? Hệ quả pháp lý của công tác hòa giải tranh chấp đất đai như thế nào?
03/05/2023Khái niệm:
Với sự phát triển của xã hội ngày nay, rất nhiều các mối quan hệ xuất hiện, kéo theo nó là những mâu thuẫn lần lượt ra đời, dẫn đến những tranh chấp giữa các bên trong các quan hệ xã hội. Hiện nay theo Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định, có nhiều cách thức khác nhau để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên hòa giải là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc áp dụng biện pháp hòa giải vào giải quyết tranh chấp giúp các bên tranh chấp tiết kiệm được nhiều chi phí khi khởi kiện ra Tòa án và thời gian giải quyết cũng nhanh hơn. Trên thực tế, biện pháp hòa giải là việc bên thứ ba xuất hiện có vai trò thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa. Đây là một biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả giúp cho các bên tranh chấp tìm ra một phương pháp thống nhất để tháo gỡ mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Tranh chấp đất đai hiện nay xảy ra khá phổ biến và rất phức tạp, một trong những biện pháp giải quyết tối ưu nhất góp phần hạn chế các bên tranh chấp khởi kiện ra Tòa án đó chính là hoà giải. Hoà giải trong tranh chấp đất đai là một trong những phương thức được sử dụng khá phổ biến hiện nay gồm biện pháp hòa giải tự nguyện (Nhà nước khuyến khích) và hòa giải bắt buộc tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Như vậy, có thể hiểu hòa giải nghĩa là tự chấm dứt các tranh chấp hay xích mích giữa các bên bằng sự thương lượng với nhau hay qua sự trung gian bởi một người khác. Là thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết vấn đề của mình một cách ổn thỏa. Hòa giải thường được tiến hành sau khi các bên tranh chấp thương lượng không đạt hiệu quả. Hòa giải thành công thì sẽ giữ được đoàn kết giữa các bên cũng như tránh được việc kiện tụng kéo dài và tốn kém.
Qua những căn cứ về hòa giải, có thể đưa ra khái niệm hòa giải tranh chấp đất đai như sau: Hòa giải tranh chấp đất đai là sự tác động nhằm chấm dứt các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên với nhau trong quá trình sử dụng đất bằng biện pháp thương lượng hoặc qua sự trung gian bởi chủ thể thứ ba.
Mục đích, ý nghĩa của công tác hòa giải tranh chấp đất đai:
Mục đích của công tác hòa giải tranh chấp đất đai là giúp cho các bên tranh chấp giải quyết được những bất đồng, bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho các chủ thể khi có quyền sử dụng đất hợp pháp. Trên cơ sở đó góp phần bảo vệ và duy trì sự ổn định trong trật tự chung của xã hội, đồng thời thể hiện được vai trò quản lý của nhà nước về đất đai. Hòa giải tranh chấp đất đai là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng mối quan hệ mới trên cơ sở hoà bình, đồng thời là biện pháp cần thiết đảm bảo giải quyết kịp thời nguồn gốc của sự mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư… về đất đai, giúp cho các bên có cách nhìn nhận, giải quyết hợp tình hợp lý, từ đó đưa ra một giải pháp thống nhất để tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn bất đồng về tranh chấp đất đai trên cơ sở tự thỏa thuận. Chính vì vậy, hòa giải tranh chấp đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội, góp phần tạo ra mối quan hệ mới tốt đẹp hơn giữa các bên tranh chấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Ngoài ra, thông qua hoà giải còn bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Với những ý nghĩa đó, hòa giải là một phương thức để thực hiện dân chủ, thông qua hòa giải, vai trò tự quản của người dân được đề cao, từ đó góp phần cũng cố, tăng cường và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Mặt khác, trong trường hợp các bên tiến hành hòa giải thành công sẽ lập tức chấm dứt mâu thuẫn, trong trường hợp này tranh chấp đất đai cũng kết thúc. Tạo được sự thống nhất giữa các bên và hạn chế được sự tốn kém phiền hà, cũng như giảm bớt được công việc cho Tòa án, duy trì được các mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ, phù hợp với đạo lý của dân tộc tương thân, tương ái. Hòa giải giúp cho các đương sự hiểu biết và thông cảm cho nhau hơn, giảm bớt các mâu thuẫn, nhằm ngăn chặn tội phạm từ bất đồng tranh chấp đất đai gây ra. Vì vậy, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định hòa giải là thủ tục đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
Bên cạnh đó, hòa giải còn mang ý nghĩa đối với trật tự xã hội, trong trường hợp hòa giải tranh chấp không đạt được cũng giúp cho các bên tranh chấp hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của mình, giảm bớt được những mâu thuẫn phát sinh không đáng có. Từ đó, xây dựng các quan hệ xã hội không phải bằng mệnh lệnh mà xuất phát từ sự thuyết phục và cảm thông.
Như vậy với tầm quan trọng đó càng cũng cố thêm ý nghĩa của công tác hoà giải, góp phần giải quyết kịp thời nguồn gốc của các mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư; từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hòa giải còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và duy trì và phát huy đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hệ quả pháp lý của công tác hòa giải tranh chấp đất đai:
Trên thực tiễn khi tranh chấp đất đai xảy ra yêu cầu tất yếu đặt ra là phải giải quyết tranh chấp đó. Việc giải quyết những tranh chấp đó nhằm hướng tới giải quyết các xung đột, mâu thuẫn và tìm ra biện pháp tối ưu nhất nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan, giúp các quan hệ đất đai từ trạng thái mâu thuẫn sang trạng thái đồng thuận hoặc buộc đồng thuận. Chính vì vậy, hệ quả của công tác hoà giải tranh chấp đất đai hướng tới chính là nhằm đạt được kết quả cuối cùng bằng cách thuyết phục và thỏa thuận được hình thành giữa các bên tranh chấp với sự tham gia của chủ thể trung gian.
Thực tế cuộc sống của chúng ta xảy ra rất nhiều các vụ tranh chấp đất đai, hệ quả phát sinh đặt ra buộc các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện quá trình hoà giải. Chính vì vậy, hệ quả phát sinh hoà giải từ các tranh chấp với hai trường hợp thường áp dụng:
- Thứ nhất, hòa giải trong tố tụng:
Hòa giải trong tố tụng là hình thức được áp dụng tại Tòa án nhân dân, là hệ quả pháp lý xảy ra khi có đơn khởi kiện liên quan đến tranh chấp đất đai dựa trên yêu cầu của các chủ thể có quyền lợi về đất đai bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định rõ với tư cách là cơ quan có nhiệm vụ xét xử, Toà án nhân dân có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đưa ra thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự đó theo quy định của pháp luật. Như vậy có thể thấy, hoà giải là hệ quả tất yếu, là một chế định bắt buộc trong thủ tục tố tụng nhằm giải quyết khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, nhằm tìm ra phương án, cách giải quyết hướng đến thỏa thuận lại các vấn đề phát sinh trong tranh chấp và đi đến quyết định cuối cùng để giải quyết tranh chấp bằng ôn hòa (nếu hòa giải thành) hoặc quyết định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tư pháp là xét xử (nếu hòa giải không thành).
- Thứ hai, hòa giải ngoài tố tụng:
– Hòa giải tiền tố tụng tại TAND: Đây là trường hợp tiến hành trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2014. Tuy nhiên, hình thức này vẫn chưa được áp dụng phổ biến mà chỉ mới thí điểm ở một số địa phương.
– Hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường: Là biện pháp tiến hành tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi có đất đang bị tranh chấp. Đây cũng là hình thức được áp dụng khi chưa xác định được “ai là người có quyền sử dụng đất” và được áp dụng theo quy định của Luật đất đai và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
– Hòa giải cơ sở: Đây là phương thức quan trọng nhằm hướng tới kết quả cuối cùng bằng các thỏa thuận chung trên cơ sở tự do ý chí của các bên liên quan gắn với thôn, làng, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Đây là phương thức được áp dụng chủ yếu với các tranh chấp đơn giản, tập trung các tranh chấp mang tính cục bộ địa phương và được hỗ trợ bởi một bên thứ ba làm chức năng trung gian. Hiện nay, phương thức hòa giải cơ sở được quy định tại Luật Hòa giải cơ sở năm 2013.
Như vậy, trong thực tiễn ta có thể thấy từ các hệ quả pháp lý xuất hiện khi có tranh chấp đất đai xảy ra, hoà giải chính là phương thức hữu hiệu nhằm giải quyết những tranh chấp đó, hướng tới xây dựng một trật tự mới giữa các bên tranh chấp, tiến tới xây dựng các mối quan hệ truyền thống trong cộng đồng dân cư dưới tác động của phong tục tập quán, hương ước và lệ ước địa phương.
————–
Và nếu như anh chị đang mong muốn đầu tư vào dự án bất động sản tốt, chất lượng tại Đồng Tháp hoặc đang khó khăn trong các thủ tục hành chính về đất đai đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay Hotline của Bdsdongthap.vn để được tư vấn chi tiết.
Hotline: 0982593036 Hotmail: khaitanghong@gmail.com